Hoàn thành các đồ án quy hoạch đô thị quan trọng: Tiền đề xây dựng, phát triển Thủ đô

Đánh giá bài viết

Năm 2022 khép lại với nhiều dấu mốc đáng nhớ trong công tác quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Cùng với việc hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án, nhiệm vụ quy hoạch, 10 đồ án quy hoạch đô thị quan trọng được coi là khó, phức tạp đã được phê duyệt. Đây là tiền đề để xây dựng Thủ đô theo hướng văn minh, phát triển đô thị đồng bộ, bền vững.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Ảnh: Nguyễn Quang

Dồn lực cho giai đoạn nước rút

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh đánh giá, năm 2022, công tác quy hoạch đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, trọng tâm là việc hoàn thành, trình duyệt nhiều đồ án quy hoạch quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.

Trong số 10 đồ án quy hoạch được phê duyệt, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và phân khu đô thị sông Đuống là hai đồ án đặc biệt quan trọng đã hoàn thành sau nhiều năm chờ đợi vì những khó khăn, vướng mắc. Các chuyên gia quy hoạch đều đánh giá đây là những mảnh ghép cuối để Hà Nội hoàn thành 100% đồ án quy hoạch phân khu đô thị và là cơ sở quan trọng để Thủ đô xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, việc phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống không chỉ là mong đợi của rất nhiều người dân Thủ đô mà còn là niềm mong mỏi 20 năm nay của đội ngũ làm công tác quy hoạch. Có thể coi đây là bước đi đầu tiên quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.

Ngoài hai đồ án mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng nêu trên, 8 đồ án được hoàn thành, phê duyệt cũng đều là những lĩnh vực quy hoạch khó, phức tạp từ nhiều năm qua như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai khu 1, khu 2 và khu 3 và Quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên khu 1, khu 2, khu 3.

Đáng chú ý, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ 4 đoạn tuyến và 1 nút giao thuộc tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án đặc biệt quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thành phố Hà Nội, vùng Thủ đô, khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Vì thế, việc phê duyệt chỉ giới là cơ sở quan trọng để dự án triển khai các bước đầu tư theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đã thông qua nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đã có báo cáo, trình Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây đều là những nhiệm vụ quy hoạch có tầm bao quát lớn, đang được các đơn vị liên quan phối hợp triển khai nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và kịp tiến độ.

Quy hoạch các bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thủ đô là một trong những đồ án quy hoạch đô thị quan trọng của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Ảnh: Nguyễn Quang

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng nhìn nhận, một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ triển khai dự án mở đường, chưa bảo đảm tính khả thi. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, đặc biệt là quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, do thiếu nguồn lực tài chính dẫn đến việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông (các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị…), dẫn đến ùn tắc, quá tải, gây bức xúc trong dư luận.

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2023, sở sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh còn lại. Đồng thời, triển khai lập các quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị; lập các thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết khu vực không gian chức năng…

Trước vai trò đặc biệt của công tác quy hoạch là luôn đi trước một bước, định hướng cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội, năm 2023 càng có ý nghĩa khi Hà Nội bước vào giai đoạn nước rút thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch. Đó là nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố đến 2030, định hướng 2050. Sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các đơn vị chuyên môn sẽ là yếu tố quan trọng để các đồ án quy hoạch có chất lượng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.