Theo phản ánh của người dân phường Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện nay, hơn 300 hộ dân phường nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy, nên việc cấp phép xây dựng rất khó khăn.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức (trú tại tổ 18, phường Đồng Mai) cho biết: “Hiện tại đã có một số nơi được các đơn vị chức năng cắm mốc giới hành lang thoát lũ từ lâu. Khi nào nhà nước yêu cầu di dời thì chúng tôi sẽ chấp hành ngay”.

Theo ông Đức, việc đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới hành lang đê sông Đáy là điều rất cần thiết. Đây là một trong những giải pháp đột phá, giúp tháo gỡ “nút thắt” trong quản lý, sử dụng đất bãi ven sông Đáy. Ông Đức và những hộ dân khác biết được quy định những địa phương có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông đều phải di dời. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và chưa có đất tái định cư nên chưa thể di dời.
Do đó, ông Đức rất mong muốn và kiến nghị Nhà nước thực hiện cắm mốc giới hành lang thoát lũ và sớm thực hiện di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này ra khu vực khác để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Nhớ lại trận lũ lụt lịch sử năm 1971, bà Đàm Thị Vân (trú tại tổ 5, phường Đồng Mai) cho biết, khi đó bà còn rất nhỏ nhưng vẫn nhớ như in cảnh tượng ngập lụt khắp đê sông Đáy. Gia đình bà cũng có người thân mất trắng nhà cửa vào năm lũ lụt khủng khiếp đó. Vì vậy, bà Vân rất ủng hộ việc cắm mốc giới hàng lang và thực hiện di dời.

Bà Vân cho rằng, đê sông Đáy là một công trình đê điều quan trọng của Thành phố Hà Nội. Công trình này không chỉ bảo vệ cuộc sống của hơn 300 hộ dân phường Đồng Mai, quận Hà Đông mà còn bảo vệ cuộc sống của người dân toàn Thủ đô. Do đó, việc thực hiện cắm mốc giới hành lang thoát lũ, di dời các hộ dân trong khu vực này là điều cần sớm thực hiện.
Cũng theo chia sẻ của người dân, ngoài những mốc đã cắm tại vị trí cũ thì phường Đồng Mai cũng có hệ thống kênh rạch thoát lũ. Từ năm 1971 đến nay chưa xảy ra bất kỳ một trận lũ lụt nào. Tuy nhiên, vào mùa mưa hoa màu của những hộ dân ven sông Đáy cũng bị ảnh hưởng nên chính quyền địa phương cũng cần xem xét, nâng cấp và cải tạo hệ thống kênh rạch, đê điều.


Ông Trần Đình Quang (trú tại tổ 7, phường Đồng Mai) chia sẻ: “Mấy chục năm gần đây không xảy ra hiện tượng ngập lụt nhưng không ai chắc chắn rằng nó không xảy ra. Hồi nhỏ, tôi đã từng chứng kiến nước sông ngập trắng cả đê. Nhưng hồi đó chưa có nhiều hộ dân như bây giờ, đa số chỉ là hoa màu. Nếu phải di dời chúng tôi cũng sẽ ủng hộ thôi”.
Bởi theo ông Quang, nếu không sớm thực hiện cắm mốc giới hành lang thoát lũ, di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng thì việc cấp phép xây dựng rất khó khăn. Điều này không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn gây ra những khó khăn khác trong nhân dân.

Về vấn đề này, lãnh đạo quận Hà Đông cho biết, những kiến nghị này đã được cử tri nêu ra trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại quận Hà Đông ngày 24.9. Tại buổi tiếp xúc đó, lãnh đạo quận đã tiếp thu các ý kiến cử tri nêu liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của quận Hà Đông. Thời gian tới, UBND quận sẽ sớm có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24.9, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị quận Hà Đông phối hợp với các ngành giải quyết các vấn đề tồn tại về đất dịch vụ, đẩy nhanh dự án làng nghề Vạn Phúc, cắm mốc giới hành lang đê sông Đáy. Bên cạnh đó, quận cũng đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, thực hiện thu ngân sách theo kế hoạch và bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn…