5/5 - (1 bình chọn)

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020. Hồ sơ quy hoạch bao gồm: bản vẽ, thuyết minh và quy định quản lý.

Quy định quản lý được lập theo các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

Quy định quản lý này cùng với hồ sơ bản vẽ và thuyết minh đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030 là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch chuyên ngành và để các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ và thực hiện.

 

Căn cứ pháp lý:

– Luật Thủ đô;

– Luật Xây dựng;

– Luật Quy hoạch đô thị;

– Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

– Nghị định 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị;

– Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

– Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

– Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

– Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị;

– Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050;

– Quyết định số 705/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000;

– Căn cứ hồ sơ Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 bao gồm thuyết minh tổng hợp và các bản vẽ;

 

Phạm vi ranh giới, quy mô nghiên cứu, thời hạn lập quy hoạch:

a) Phạm vi: Thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Quy mô nghiên cứu khoảng 17.274 ha.

b) Ranh giới lập quy hoạch: – Phía Bắc giáp trục Hồ Tây – Ba Vì. – Phía Đông là sông Tích. – Phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.

c) Thời hạn lập quy hoạch:
– Giai đoạn ngắn hạn: Đến năm 2025.
– Giai đoạn dài hạn: Đến năm 2030, tầm nhìn dài hạn tới năm 2050.

Quy mô dân số

Dự báo đến năm 2025 dân số đô thị Hòa lạc khoảng 150.000 người, trong đó: dân số nội thị khoảng 97.000 người, dân số ngoại thị khoảng 53.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 64%.

Đến năm 2030 và những năm tiếp theo dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 600.000 người, trong đó: dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.

Quy mô đất đai

Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng toàn đô thị khoảng 17.274 ha bao gồm: Khu vực phát triển đô thị (nội đô) khoảng 7450,08 ha (43,1%) và khu vực vành đai khoảng 9.823,92 ha (56,9%).  Trong đó khu vực nội đô bao gồm: Đất dân dụng khoảng 4.534,64 ha (đạt chỉ tiêu khoảng 88,9m2/người); Đất khác trong phạm vi dân dụng khoảng 1.515,66 ha; Đất xây dựng ngoài phạm vi dân dụng khoảng 859,88 ha.

 

1. Khu vực ĐH quốc gia HN

2. Khu vực công nghệ cao

3. Khu vực đô thị sinh thái

4. Khu đô thị Phú Cát-Hòa Thạch

5. Khu vực sân bay

6. Khu vực nông nghiệp

7. Khu vực Viên Nam

 

– Khu HL1 (Khu ĐHQG): Có tổng diện tích khoảng 1136,96ha, tổng dân số khoảng 63.000 người (trong đó có khoảng 60.000 sinh viên), gồm các chức năng sử dụng đất chủ yếu là đất giáo dục, đào tạo, đất công cộng, cây xanh, TDTT phục vụ các trường đại học. Đất đường giao thông và các tuyến hành lang xanh kết nối các khu chức năng đô thị theo mạng lưới sông suối hiện có.

– Khu HL2 (Khu CNC): Tổng diện tích khoảng 1350,31ha với tổng dân số khoảng 100.000 người. chức năng sử dụng đất chủ yếu là các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo nhân lực thuộc khu CNC Hòa Lạc. Ngoài ra có một số khu ở tái định cư và khu ở cho cán bộ nhân viên của khu CNC.

– Khu HL3, HL4, HL5 (thuộc khu đô thị sinh thái): Tronng đó khu HL3 có diện tích khoảng 666,86ha, dân số khoảng 43.000người, khu HL4 có diện tích khoảng 1753,53ha, dân số khoảng 145.000 người, khu HL5 có diện tích khoảng 1.031,87ha, dân số khoảng 75.000 người. 3 khu này có chung tính chất và các chức năng chính, bao gồm đất công trình công cộng đô thị, đất cây xanh công viên đô thị (hình thành trên cơ sở khai thác cảnh quan sông suối, rừng núi tự nhiên), đất trung tâm y tế vùng (quy mô khoảng 130ha) đất đô thị mới, đất làng xóm đô thị hóa và các chức năng khác trong khu đô thị mới.

– Khu HL6 (khu đô thị Phú Cát – Hòa Thạch): Tổng diện tích khoảng 970,65ha, tổng dân số khoảng 84.000 người, gồm một phần khu CNC Hòa Lạc (trước đây là khu công nghiệp Bắc Phú Cát), một phần của trung tâm y tế cấp vùng (quy mô khoảng 70ha), phần còn lại chủ yếu là đất khu đô thị mới với các đơn vị ở mới phát triển dọc theo trục chính đô thị (quốc lộ 21).

– Đất đường giao thông nằm ngoài các khu quy hoạch có diện tích khoảng 539,9ha.

– Khu NN1 (Khu vực sân bay Hòa Lạc): Có tổng diện tích: khoảng 1.270,06ha, dân số: khoảng 6.500 người. Chủ yếu là phần đất sân bay Hòa Lạc do quân đội quản lý, (khi có yêu cầu phục vụ dân sự cần có ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng theo quy định). Bố trí trung tâm bán buôn cấp vùng, trạm đầu-cuối tuyến đường sắt đô thị theo định hướng Quy hoạch chung 1259. Khu vực này là vùng đệm xanh gắn với các khu du lịch như hồ Đồng Mô, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và vườn Quốc gia Ba Vì.

– Khu NN2, NN3, NN4, NN5 (Khu vực nông nghiệp): Có tổng diện tích khoảng 4855,81ha, dân số: khoảng 68.500 người. Phát triển theo mô hình nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phục vụ cho đô thị. Tạo vùng đệm rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các loại hoa màu khác (có thể kết hợp du lịch sinh thái, trang trại giáo dục nông nghiệp).

– Khu ST (Khu vực Viên Nam): Có tổng diện tích: khoảng 3431,96ha, dân số: khoảng 15.000 người. Tiếp tục duy trì và bảo vệ rừng trồng, rừng đầu nguồn, rừng Quốc gia, kết hợp các dự án du lịch sinh thái. Hạn chế phát triển nhà ở, chuyển đổi các dự án phát triển đô thị theo hướng thấp tầng, tránh tối đa can thiệp địa hình tự nhiên.

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc có tính định hướng tổ chức không gian, vị trí, ranh giới, quy mô diện tích các chức năng sử dụng đất định hướng trong Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên nguyên tắc phù hợp với định hướng phát triển, chỉ tiêu sử dụng đất lâu dài của đô thị Hòa Lạc.

Các chỉ tiêu sử dụng đất của đô thị Hòa Lạc được xác định cho giai đoạn dài hạn (khi quy mô dân số đạt đủ 600.000 người), trong quá trình cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, có thể đề xuất một số chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp từng giai đoạn phát triển của đô thị, căn cứ theo đánh giá thực tế từng thời điểm để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khai thác đất đai. Quỹ đất dôi dư sẽ được nghiên cứu đề xuất trên nguyên tắc ưu tiên cho các chức năng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đô thị theo từng giai đoạn phát triển cụ thể hoặc dự trữ cho mục tiêu lâu dài và phải được cấp thẩm quyền cho phép, chấp thuận.

 

Quy định chung về phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội

1.1.1 Công sở, trụ sở làm việc:

– Bố trí khu vực trung tâm hành chính mới cho đô thị Hòa Lạc tại lõi trung tâm trong phạm vi vành đai 1 (phía Tây Nam nút giao Đại lộ Thăng Long và đường 21). Khu hành chính mới gắn với các trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ công cộng, y tế, văn phòng giao dịch, quảng trường, không gian công cộng lớn tập trung đông người.

– Vị trí, quy mô diện tích, chức năng sử dụng đất cụ thể được xác định theo quy hoạch phân khu trong giai đoạn nghiên cứu cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc

1.1.2 Hệ thống đào tạo và dạy nghề:

– Hình thành 01 khu đại học tập trung có quy mô khoảng 80.000 – 100.000 sinh viên và được thực hiện theo QHCT Khu ĐHQG đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

– Bố trí các trường dạy nghề (trong phần đất công cộng hỗn hợp) để phục vụ nhu cầu chuyển đổi nghề cho dân cư thuộc đô thị Hòa Lạc. Dự báo quy mô khoảng 30ha (quy mô toàn đô thị), vị trí, ranh giới, quy mô cụ thể sẽ được xác định trong quá trình triển khai thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc.

1.1.3 Hệ thống giáo dục:

Hệ thống các trường học phổ thông sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đảm bảo các chỉ tiêu phù hợp với Quy chuẩn XDVN.

1.1.4 Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

– Phân bố cơ cấu các cơ sở y tế theo định hướng Quy hoạch chung 1259, theo hình thức phân tán để khai thác sử dụng đất hiệu quả:

+ Bố trí 01 cụm quy mô khoảng 120ha, cho nhu cầu xây dựng các cơ sở y tế cấp trung ương trong khu vực HL4.

+ Bố trí 01 cụm quy mô khoảng 10ha, cho nhu cầu xây dựng các cơ sở y tế của các Bộ, ngành trong khu vực HL3.

+ Bố trí 01 cụm quy mô khoảng 70ha, cho nhu cầu xây dựng các cơ sở y tế của thành phố, trong khu vực HL6.

– Cải tạo nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh hiện có trong khu vực đô thị Hòa Lạc.

1.1.5 Công trình, thiết chế văn hóa

– Các công trình văn hóa cấp đô thị (Thư viện, bảo tàng, triển lãm, nhà hát, cung văn hóa, rạp xiếc, cung thiếu nhi…) bố trí trong các khu vực đất công cộng hỗn hợp, thiết kế đảm bảo chỉ tiêu phù hợp Quy chuẩn XDVN, theo hướng hiện đại, đa chức năng, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên phục vụ chung cho toàn đô thị và các vùng phụ cận.

– Xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa khác phù hợp với đặc điểm văn hóa tại địa phương, gắn kết, khai thác và bảo vệ các công trình di tích văn hóa hiện hữu.

1.1.6 Hệ thống công trình thể dục thể thao

Xây dựng trung tâm thể dục thể thao, sân vận động phục vụ chung cho toàn đô thị (bao gồm cả khu vực các trường đại học).

 

1.1       Các quy định chung về hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

1.1.1 Giao thông

* Giao thông đối ngoại

– Đường Hồ Chí Minh: Là tuyến giao thông đối ngoại của toàn thành phố Hà Nội nói chung, đô thị Hòa Lạc nói riêng. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Hà Nội còn đóng vai trò là đường vành đai 5 của Thủ đô Hà Nội, hành lang tuyến rộng 120m.

– Đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình: Là cao tốc kéo dài từ đại lộ Thăng Long đến thành phố Hòa Bình với hành lang tuyến rộng 120m (có 6 làn xe).

– Đường sắt nội vùng Hà Nội – Hòa Bình: Kết nối Hà Nội với thành phố Hòa Bình và đi theo hành lang đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình với điểm đầu tuyến nằm tại Đô thị Hòa Lạc. Tuyến này được kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 5 tại tổ hợp gồm ga đầu-cuối, đề pô tuyến đường sắt đô thị số 5, bến xe liên tỉnh phía Tây, điểm đầu cuối xe buýt.

– Bố trí 04 bến xe khách liên tỉnh ở phía Nam và phía Tây đô thị Hòa Lạc, bao gồm cả điểm đầu-cuối xe buýt đô thị và kết nối với các tuyến đường sắt nội vùng.

* Mạng lưới giao thông đô thị:

– Đường cao tốc: Đại lộ Thăng Long và đoạn kéo dài sang phía Tây tới nút giao với đường Hồ Chí Minh, được xác định là đường cao tốc đô thị, kết nối Đô thị Hòa Lạc với thành phố trung tâm có mặt cắt ngang rộng 120-140m với 6 làn đường cao tốc, 6 làn đường gom hai bên.

– Đường trục chính đô thị:

+ Quốc lộ 21: Đoạn quốc lộ 21 đi qua đô thị Hòa Lạc sẽ được cải tạo mở rộng và đóng vai trò là đường trục chính đô thị với mặt cắt ngang rộng 80m, 14 làn xe trong đó có 4 làn đường gom.

+ Đường Hồ Tây – Ba Vì: Là tuyến đường được xây dựng mới và là đường bao phía Bắc đô thị Hòa Lạc có mặt cắt ngang rộng 60m gồm 6-8 làn xe.

+ Tuyến đường bao phía Đông và phía Nam: Có mặt cắt ngang rộng 50m gồm 6-8 làn xe. Chiều dài tuyến trong khu vực nội thị khoảng 13,7 km

– Các tuyến đường trục chính đô thị và đường liên khu vực kết nối với đường cao tốc và đường trục chính đô thị (bằng các nút khác cốt), có mặt cắt ngang từ 30-50m, 4-8 làn xe (tùy từng khu vực).

– Ưu tiên dành quỹ đất đường giao thông để bố trí làn đường riêng cho phương tiện giao thông công cộng, mở rộng vỉa hè, dành làn đường cho đi bộ, xe đạp và trồng cây bóng mát. Giao thông công cộng là yêu cầu phát triển quan trọng của Đô thị Hòa Lạc; trong đó khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

– Mạng lưới xe buýt: Kết nối với các ga đường sắt đô thị, bến xe khách liên tỉnh, nội tỉnh thông qua các điểm trung chuyển đa phương tiện (dự báo toàn đô thị khoảng 600 đầu xe buýt).

– Bãi đỗ xe: Các công trình phải tự đảm bảo nhu cầu đỗ xe của bản thân (bao gồm nhu cầu đỗ xe thời gian ngắn, thời gian dài và qua đêm). Bãi đỗ xe công cộng trong các khu ở  bố trí trong thành phần đất đơn vị ở, phục vụ khách vãng lai và khu vực làng xóm hiện có. Khuyến khích xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ở khu vực xây dựng mật độ cao để tiết kiệm đất đai cho các mục đích công cộng.

* Mạng lưới đường sắt:

– Tuyến đường sắt đô thị số 5: Là tuyến hướng tâm đi dọc trong hành lang đại lộ Thăng Long. Chiều dài tuyến qua đô thị Hòa Lạc khoảng 14 km và bố trí 05 nhà ga.

– Tuyến đường sắt nối các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai: Là tuyến đường sắt đô thị đi trong đường trục chính đô thị (mở rộng đường 21 hiện có). Chiều dài tuyến này qua đô thị Hòa Lạc khoảng 15km và bố trí 06 nhà ga.

* Giao thông ngoài đô thị

– Hệ thống đường huyện: Nâng cấp, xây dựng mạng lưới đường huyện, liên xã kết nối giao thông với quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường vành đai của đô thị. Khu vực nông thôn. tạo điều kiện đi lại thuận lợi giữa các vùng để hỗ trợ và phát triển tốt hơn trong tương lai. Quy mô, cấp hạng các tuyến đường huyện đạt cấp IV, đoạn các tuyến đi qua khu vực trung tâm xã, dân cư tập trung thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, bề rộng mặt cắt ngang điển hình rộng từ 13m-17m.

– Hệ thống đường xã, đường giao thông nông thôn: Cơ bản giữ nguyên các tuyến đường hiện có, tập trung cải tạo, nâng cấp đường liên xã, liên thôn, đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng, phấn đấu: 100% mặt đường được kiên cố hóa, nâng cấp tuyến đạt cấp V, VI hoặc cấp đường A giao thông nông thôn. cải tạo hệ thống giao thông nội đồng.

* Đường hàng không:

– Đảm bảo an toàn hàng không và các khống chế tĩnh không theo quy định.

– Sân bay Hòa Lạc tiếp tục sử dụng cho mục đích quân sự, khi có yêu cầu phục vụ dân sự cần có ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng theo quy định.

1.1.2 Chuẩn bị kỹ thuật

* Cao độ nền và phòng, chống lũ:

– Nâng cấp, cải tạo, nắn dòng, mở rộng lòng, nạo vét đáy đảm bảo chiều cao thoát nước của các tuyến thoát nước chính.

– Duy trì các hồ, đầm hiện trạng; Bổ sung thêm hồ để điều hòa và giảm tải cho hệ thống sông, ngòi, mương thoát nước chính.

– San, gạt nền khu vực đô thị và công nghiệp trên cơ sở tôn trọng tối đa địa hình tự nhiên và thuận lợi cho hệ thống thoát nước.

– Duy trì vùng đất canh tác trũng thấp phía Tây sông Tích theo quy hoạch để bảo vệ đô thị Hòa Lạc trước tác động của lũ lụt trên sông Tích và lũ rừng ngang.

– Các khu dân cư giáp sông Tích phần lớn có cao độ ≥ 10,5m, ít chịu tác động của ngập lụt (chỉ có một số ít khu vực thấp hơn sẽ dần được cải tạo). Duy trì vùng đất canh tác trũng thấp làm vùng chậm lũ cho sông Tích và các sông suối khác.

* Định hướng thoát nước

– Hướng thoát nước chính: Thoát vào hồ Đồng Mô thông qua sông Cò ở phía Tây Bắc và thoát ra sông Tích ở phía Đông (có 5 lưu vực).

+ Lưu vực 1: Thoát ra sông Cò; Có diện tích khoảng 1950ha, chiếm khoảng 11,27% tổng diện tích. Lưu vực này nằm ngoài vùng phát triển đô thị nên tránh làm thay đổi địa hình tự nhiên, gìn giữ và phát triển rừng, duy trì, bảo đảm hành lang thoát lũ của các tuyến suối theo quy định tại Nghị Định số 43/2015/BXD.

+ Các lưu vực thoát nước còn lại thoát ra sông Tích: Tổng diện tích khoảng 15344ha, (khoảng 88,73%). Duy trì tối đa hệ thống dòng chảy tự nhiên hiện có. Bảo đảm thoát nước với tần suất tính toán P=10% đối với lòng sông, suối, kênh mương. Bảo đảm hành lang thoát lũ của các tuyến sông, ngòi, suối với tần suất tính toán P=1%. Tận dụng tối đa hệ thống hồ hiện có để triết giảm lưu lượng trên các tuyến thoát nước, bổ sung hồ điều hòa thoát nước cho các tuyến thoát nước có lưu lượng quá lớn để giảm quy mô công trình tiêu.

1.1.3 Cấp điện

– Các trạm biến áp 110/22kv, 220/110kv phải được cấp điện từ 02 nguồn điện trở lên.

– Đảm bảo hành lang, hướng tuyến theo quy hoạch. Dự trữ quỹ đất hành lang xây dựng mới tuyến điện cao thế 500kv và tuyến cáp 220kv Tây Hà Nội (Quốc Oai) – Sơn Tây.

– Trong khu vực đô thị, lưới điện từ 220kv trở xuống phải bố trí đi ngầm.

– Ưu tiên các công nghệ như cáp ngầm cao áp, trạm biến áp kín GIS, thống nhất cấp điện áp trung áp theo tiêu chuẩn 22kv với cấu trúc mạch vòng kín vận hành hở.

– Các tuyến cáp trục 22kv thiết kế tiết diện 240mm2 trở lên.

– Đảm bảo chiếu sáng 100% mạng lưới đường đô thị, phấn đấu đạt 80-90% ngõ xóm được chiếu sáng. Khuyến khích sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, thời gian sử dụng lâu dài, thiết bị sử dụng nguồn năng lượng mới.

– Bố trí chiếu sáng cảnh quan cho các khu vực trung tâm công cộng, quảng trường, thương mại, công trình điểm nhấn, không gian mở gắn với hoạt động cộng đồng.

1.1.4 Thông tin liên lạc

– Nguồn viễn thông từ Host Hòa Lạc hiện có (nâng dung lượng lên 20.000 số). Xây dựng mới 07 trạm vệ tinh, nâng dung lượng 03 trạm vệ tinh hiện có.

– Ứng dụng công nghệ mới để tích hợp các thiết bị viễn thông nhằm cung cấp đa dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ an ninh quốc phòng, hướng tới chính quyền điều hành điện tử. Hạ ngầm toàn bộ mạng lưới cáp trong khu vực nội thị, khuyến khích hạ ngầm ở khu vực ngoại thị.

– Ưu tiên công trình thông tin liên lạc công cộng, các đường cáp viễn thông, đường dây thuê bao kết hợp chung trong công trình HTKT.

– Bưu chính: Bố trí các bưu cục, bưu điện khu vực nội thị đảm bảo bán kính phục vụ. Mở rộng các điểm đại lý bưu điện, các điểm bưu điện văn hóa xã tại, hạn chế bổ sung các bưu cục tại khu vực nông nghiệp nông thôn.

– Các Host và trạm vệ tinh cần sẵn sàng chuyển sang công nghệ NGN.

1.1.5 Cấp nước

– Nguồn cấp nước từ Nhà máy nước Sông Đà.

– Mạng lưới đường ống:

+ Các tuyến ống truyền dẫn cơ bản tuân thủ Quy hoạch chung 1259 và Quy hoạch chuyên ngành cấp nước.

+ Mạng lưới cấp nước trong Khu ĐHQGHN và Khu CNC thực hiện quy hoạch được duyệt và đấu nối với bên ngoài.

– Hệ thống cấp nước khu vực ngoại thị trước mắt sẽ tận dụng tối đa hệ thống cấp nước theo quy hoạch nông thôn mới, lâu dài sẽ được hòa vào hệ thống chung.

1.1.6 Thu gom và xử lý nước thải

– Hệ thống thoát nước thải trong khu vực nội thị là hệ thống thoát nước hỗn hợp.

– Hệ thống thoát nước thải trong Khu ĐHQGHN và Khu CNC thực hiện theo các quy hoạch đã được phê duyệt với trạm xử lý nước thải riêng và khớp nối với mạng lưới chung của toàn đô thị.

– Nước thải từ các khu vực dân cư hiện hữu là hệ thống thoát nước chung.

– Hệ thống thoát nước thải cho các khu dân cư làng xóm ngoại thị, tùy thuộc vào điều kiện địa hình, quy mô và mật độ dân số là hệ thống thoát nước chung với nước mặt, nửa riêng hoặc riêng hoàn toàn và có thể đấu nối về trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị nếu thuận lợi.

1.1.7 Thu gom và quản lý chất thải rắn

– 100% chất thải rắn được thu gom, phân loại tại nguồn.

– Giảm lượng thải – Tăng tái chế – Tái sử dụng chất thải rắn. Chỉ chôn lấp chất thải rắn không thể tái chế, giảm nhu cầu đất dành cho xử lý chất thải rắn.

– Chất thải rắn đô thị được phân loại tại nguồn và thu gom tập trung.

– Chất thải rắn làng xóm ven đô, ngoại thành: Ưu tiên xử lý tại chỗ, sử dụng mô hình ủ phân tại chỗ, biogas, sản xuất kín VAC… tận dụng chất thải phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lượng cho nhu cầu sinh hoạt.

– Phần chất thải còn dư, tập trung về bãi trung chuyển cấp xã sau đó chuyển về khu xử lý chất thải rắn tập trung theo quy hoạch (khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn).

– Mỗi xã có 01 điểm trung chuyển chất thải rắn, quy mô từ 1000-2000m2/điểm.

– Chất thải rắn y tế phải được xử lý bằng lò đốt đạt tiêu chuẩn môi trường.

1.1.8 Quản lý nghĩa trang

* Khu vực đô thị:

– Không bố trí nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị.

– Khoanh vùng, trồng cây xanh cách ly, từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện trạng nằm trong ranh giới phát triển đô thị. Các mộ khi di dời chuyển về các nghĩa trang nông thôn và nghĩa trang tập trung của thành phố.

– Xây dựng 3 nhà tang lễ cho đô thị Hòa Lạc, quy mô khoảng 1ha/nhà tang lễ.

– Sử dụng nghĩa trang tập trung của huyện Thạch Thất tại khu vực xã Yên Trung huyện Thạch Thất cho đô thị Hòa Lạc (quy mô khoảng 34ha, nằm ngoài đô thị Hòa Lạc).

– Khuyến khích người dân sử dụng hỏa táng và an táng tại nghĩa trang tập trung của thành phố. Phấn đấu đạt tỷ lệ hỏa táng khoảng 60%, tới năm 2050 đạt 90%.

 

* Khu vực ngoại thị:

Tiếp tục dùng nghĩa trang cấp xã theo chuẩn nông thôn mới. Vị trí và quy mô cụ thể được xác định theo quy hoạch nông thôn mới (sau khi điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được phê duyệt).

1.1.9 Hạ tầng ngầm

– Hệ thống HTKT (cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, hầm chui); đường dây, đường ống kỹ thuật đặt trong hào hoặc tuy-nen kỹ thuật được xác định cụ thể theo quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

– Phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất được xác định cụ thể trong giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết theo nhu cầu thực tế tại thời điểm nghiên cứu lập quy hoạch hoặc dự án.

– Không gian công cộng ngầm khuyến khích bố trí tại khu vực lõi trung tâm đô thị, hình thành không gian ngầm liên thông trong tổ hợp các trung tâm công cộng (độ sâu, số tầng ngầm sẽ được xác định cụ thể trong các giai đoạn tiếp theo).

– Không gian ngầm đô thị Hòa Lạc không bao gồm các công trình ngầm phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, công trình ngầm phục vụ trong lĩnh vực y tế, sản xuất, nghiên cứu.

DỊCH VỤ CHECK QUY HOẠCH HÒA LẠC

Bản đồ quy hoạch Hòa Lạc file autocad .dwg

Bản đồ địa chính Hòa Lạc từng thửa đất file autocad

 

 

Bước 1: Quý khách gửi vị trí và ảnh sổ qua zalo cho chúng tôi để kiểm tra bản đồ giải thửa của thửa đất quý khách
Bước 2: Sau khi kết hợp bản đồ giải thửa + bản đồ quy hoạch Hòa Lạc chúng tôi gửi lại cho quý khách thửa đất đó tại Hòa Lạc có dính quy hoạch hay không
Bước 3: Thanh toán phí dịch vụ